Thuê mặt bằng là một trong những bước quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến việc kinh doanh thành hay bại. Một mặt bằng có vị trí “đắc địa” sẽ giúp bạn thu hút được nhiều khách hàng, từ đó gia tăng doanh thu. Tuy nhiên, việc chọn mặt bằng không phải là điều dễ dàng, đặc biệt là đối với những người mới bắt đầu kinh doanh. Để giúp bạn giải quyết vấn đề này, ngày hôm nay LephongMoving sẽ chia sẻ kinh nghiệm thuê mặt bằng từ A đến Z.
Xác định loại sản phẩm và mô hình kinh doanh
Việc đầu tiên cũng là quan trọng nhất khi thuê mặt bằng là xác định loại hình kinh doanh. Mỗi mô hình kinh doanh sẽ có những đặc điểm riêng biệt và yêu cầu khác nhau đối với việc chọn mặt bằng. Chẳng hạn, nếu như doanh nghiệp của bạn hoạt động trong lĩnh vực nhà hàng hay quán ăn, quán cà phê thì phải chọn những không gian đủ rộng để bố trí bàn ghế, khu vực bếp,… Mặt bằng cũng phải nằm ở nơi đông đúc có nhiều người đi lại như trường học, phố đi bộ,… Ngược lại, nếu như bạn cần thuê mặt bằng để đặt văn phòng thì phải đảm bảo nơi được thuê yên tĩnh, có hệ thống điện, internet ổn định.
Hơn nữa, nếu như bạn kinh doanh những mặt hàng đắt tiền, có giá trị cao thì cũng không thể thuê những mặt bằng nhỏ hẹp hoặc nằm trong khu vực thưa thớt dân cư. Cụ thể, các mặt hàng như trang sức, đồng hồ hay nội thất sang trọng luôn được trưng bày tại các vị trí sầm uất, có mức sống cao.
Xác định khách hàng mục tiêu
Một kinh nghiệm “đắt giá” khác khi thuê mặt bằng đó là xác định đúng và rõ ràng đối tượng khách hàng mà doanh nghiệp muốn nhắm đến. Điều này sẽ giúp bạn chọn được mặt bằng ở vị trí “đẹp” – nơi tập trung đông đảo khách hàng mục tiêu, đồng thời tiếp cận họ dễ dàng hơn và gia tăng khả năng mua sắm hoặc sử dụng dịch vụ của doanh nghiệp.
Để xác định đúng nhóm khách hàng mục tiêu, bạn có thể trả lời các câu hỏi sau:
- Đối tượng khách hàng doanh nghiệp đang hướng đến thuộc nhóm tuổi và giới tính nào?
- Đối tượng khách hàng doanh nghiệp đang hướng đến có mức thu nhập khoảng bao nhiêu?
- Đối tượng khách hàng doanh nghiệp đang hướng đến có sở thích và thói quen mua sắm gì?
- Các yếu tố hoặc nhóm người nào có khả năng ảnh hưởng đến quyết định tiêu dùng của đối tượng khách hàng mục tiêu?
Một sai lầm mà nhiều người mắc phải là không tìm hiểu kỹ thị trường và khách hàng, chỉ dựa vào cảm tính hoặc thông tin sơ sài, dẫn đến hậu quả chọn sai mặt bằng. Để tránh điều này, bạn nên dành nhiều thời gian nghiên cứu thật cẩn thận, tham khảo ý kiến từ nhân viên công ty để có được cái nhìn toàn diện nhất.

Xác định quy mô mặt bằng
Để thuê được không gian ưng ý, bạn cũng cần xác định rõ quy mô mặt bằng: số lượng khách hàng dự kiến, không gian lưu trữ và khả năng mở rộng trong tương lai.
Lượng khách hàng là yếu tố then chốt ảnh hưởng đến quyết định diện tích mặt bằng cần thiết. Nếu như bạn dự đoán lượng khách hàng lớn, cần thuê những nơi có không gian rộng rãi để khách di chuyển thoải mái, tránh cảm giác quá chật chội gây khó chịu.
Khi thuê mặt bằng, bạn cũng nên tính cả phần diện tích cho cho khu vực chứa hàng hóa, dụng cụ hoặc kho hàng,… Chẳng hạn, khi mở quán ăn, bạn cần đảm bảo mặt bằng mình chọn thuê có đủ chỗ để chứa tủ lạnh hoặc kho lưu trữ thực phẩm đông lạnh,…
Ngoài ra, nếu bạn có dự định mở rộng quy mô kinh doanh trong tương lai, nên tìm những nơi đủ rộng. Điều này không chỉ tiết kiệm chi phí di chuyển mà còn giúp bạn duy trì hoạt động kinh doanh, tránh bị gián đoạn.
Chọn mặt bằng có vị trí thuận lợi
Một mặt bằng có vị trí thuận lợi sẽ giúp doanh nghiệp dễ dàng thu hút và tiếp cận với khách hàng, đồng thời nâng cao cả độ nhận diện. Do đó, khi thuê mặt bằng, bạn nên thuê những mặt bằng nằm ở khu vực có nhiều khách qua lại, chẳng hạn như ngã tư đường, các trục đường chính hoặc gần trung tâm thương mại, khu dân cư,… Bên cạnh đó, mặt bằng cũng nên nằm ở nơi dễ tìm thấy, dễ tiếp cận bởi khách hàng không muốn mất quá nhiều thời gian để tìm kiếm hoặc đến cửa hàng, doanh nghiệp của bạn.
Một điều cần lưu ý khác để chọn được mặt bằng “đẹp” là cân nhắc yếu tố an ninh quanh khu vực thuê mặt bằng. Một khu vực có đèn đường sáng, hệ thống camera giám sát đầy đủ sẽ bảo vệ doanh nghiệp và khiến khách hàng yên tâm hơn khi mua sắm. Hơn nữa, bạn cũng nên ưu tiên mặt bằng gần các tiện ích như bãi đỗ xe, trạm xe buýt,… để thuận tiện hơn cho khách hàng đi lại.
Cuối cùng, mặc dù việc cạnh tranh có thể tạo ra cơ hội phát triển, nhưng nếu bạn chọn một vị trí quá gần với đối thủ cạnh tranh mạnh, việc thu hút khách hàng có thể gặp phải nhiều khó khăn và trắc trở hơn. Do đó, nên tìm một vị trí mang tính “chiến lược”, đảm bảo tiếp cận được nhiều khách hàng nhất mà vẫn không có quá nhiều đối thủ cạnh tranh xung quanh.

Tìm hiểu kỹ chi phí thuê mặt bằng
Khi đi thuê mặt bằng, chi phí là một yếu tố quan trọng không thể bỏ qua bởi nó ảnh hưởng đến ngân sách cũng như khả năng sinh lời của doanh nghiệp. Vì vậy, trước khi đưa ra quyết định thuê mặt bằng, bạn phải nắm rõ các khoản phí sẽ gặp phải để đưa ra lựa chọn đúng đắn nhất.
Sau đây là một số yếu tố tác động đến chi phí thuê mặt bằng:
- Giá thuê hàng tháng: Đây là khoản phí cố định bản phải trả, được xác định dựa trên diện tích và vị trí của mặt bằng. Thông thường, những nơi gần trung tâm thành phố sẽ có giá thuê cao hơn.
- Các khoản chi phí phụ: Bao gồm khoản phí liên quan đến bảo trì, vệ sinh, quản lý hoặc tiện ích điện, nước, internet, hệ thống đèn điện, điều hòa,… Bạn nên hỏi cụ thể người hoặc đơn vị cho thuê mức phí cụ thể.
- Mức giá thuê tăng theo thời gian: Một số hợp đồng thuê mặt bằng có điều khoản tăng giá thuê sau một vài năm. Bạn cần yêu cầu rõ ràng về việc giá thuê có thể thay đổi như thế nào trong suốt thời gian thuê, tránh những bất ngờ hoặc mâu thuẫn trong tương lai.
Bước tiếp theo bạn cần làm là tham khảo và so sánh giá thuê giữa các khu vực và loại mặt bằng tương tự nhau. Bạn cũng có thể trao đổi và thương lượng thêm với đơn vị cho thuê để cùng nhau thống nhất mức giá hợp lý nhất.
Kiểm tra điều kiện cơ sở vật chất của mặt bằng
Một kinh nghiệm khác khi thuê mặt bằng là kiểm tra kỹ lưỡng điều kiện cơ sở vật chất tại mặt bằng chọn thuê. Yếu tố này không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh mà còn cả sự thoải mái của khách hàng cùng nhân viên.
Đầu tiên, bạn nên tiến hành kiểm tra kết cấu tòa nhà, bao gồm tường, trần và mái nhà. Lưu ý rằng các vết nứt lớn trên tường hoặc nền có thể là dấu hiệu của việc mặt bằng đã quá cũ, không thích hợp tiếp tục sử dụng.
Thứ hai, hãy kiểm tra xem đường dây điện có hoạt động ổn định, hệ thống chiếu sáng có được trang trí đầy đủ hay không. Bạn cũng nên đảm bảo rằng đường ống cấp nước không có hiện tượng rò rỉ, tắc nghẽn hoặc hư hỏng. Điều này đặc biệt quan trọng nếu như doanh nghiệp của bạn hoạt động trong lĩnh vực nhà hàng, quán nước.
Thứ ba, nên kiểm tra xem mặt bằng có được trang bị camera giám sát, chuông báo động và quan trọng nhất là thiết bị PCCC hay không. Khi đi thuê mặt bằng, bạn có thể yêu cầu đơn vị cho thuê dẫn đi xem và kiểm chứng chi tiết.
Cuối cùng, nếu mặt bằng của bạn ở tầng cao, cần đảm bảo thang máy có đủ trọng tải và hoạt động tốt. Hơn nữa, bạn cũng nên kiểm tra xem mặt bằng có chỗ đổ xe cho khách hàng và nhân viên hay không.
Thương lượng với chủ hoặc đơn vị cho thuê mặt bằng
Khi thuê mặt bằng, nhiều người thường thương lượng với chủ nhà hoặc đơn vị cho thuê để giảm bớt chi phí thuê cũng như đạt được các điều khoản có lợi cho hai bên.
Nếu bạn thấy giá thuê cao hơn so với các mặt bằng tương tự trong khu vực, đừng ngần ngại yêu cầu chủ nhà điều chỉnh mức giá sao cho phải chăng hơn. Tuy nhiên, trước khi làm việc này, bạn cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng giá thuê của các mặt bằng cùng khu vực để có cơ sản đàm phán.
Trong quá trình đàm phán, bạn nên thể hiện được thiện chí và sự tôn trọng đối với đối phương. Nếu bạn có thể thể hiện rằng bạn là một khách thuê lâu dài và ổn định, chủ nhà hoặc đơn vị cho thuê sẽ có lý do để xem xét các điều chỉnh có lợi cho bạn.

Kiểm tra các yếu tố pháp lý của mặt bằng
Để bảo vệ quyền lợi cho mình, bạn nên kiểm tra các yếu tố pháp lý của mặt bằng khi đi thuê. Trước hết, bạn cần xác minh rõ quyền sở hữu của chủ nhà bằng cách yêu cầu cung cấp giấy tờ chứng minh như chứng nhận quyền sử dụng đất, hợp đồng mua bán hoặc các tài liệu liên quan. Nếu bên cho thuê là doanh nghiệp, bạn cần kiểm tra giấy phép kinh doanh, đăng ký hoạt động cho thuê, và các tài liệu chứng minh rằng họ có quyền cho thuê mặt bằng hợp pháp.
Một yếu tố quan trọng không thể bỏ qua khác là xác minh mục đích sử dụng đất của mặt bằng. Một số khu vực có thể chỉ được phép sử dụng cho một mục đích nhất định (ví dụ như đất thương mại, đất ở, hoặc đất công nghiệp). Do đó, bạn cần kiểm tra xem mặt bằng mà bạn định thuê có được phép sử dụng cho loại hình kinh doanh của mình hay không.
Đọc kỹ hợp đồng thuê mặt bằng
Kinh nghiệm thuê mặt bằng cuối cùng LephongMoving muốn chia sẻ hôm nay là đọc thật kỹ hợp đồng cho thuê. Nó không chỉ là sự cam kết giữa bạn và đơn vị cho thuê mà còn là cơ sở pháp lý bảo vệ quyền lợi của hai bên.
Khi đọc hợp đồng, bạn cần chú ý đến các thông tin sau:
- Thông tin các bên: Đảm bảo rằng thông tin của bạn (người thuê) và chủ nhà (người cho thuê) là chính xác và đầy đủ bởi nó quyết định đến hiệu lực pháp lý của hợp đồng.
- Diện tích và mục đích sử dụng mặt bằng: Rà soát lại diện tích mặt bằng được cho thuê và mục đích sử dụng cụ thể của mặt bằng xem có đúng với thỏa thuận ban đầu hay chưa, tránh các rắc rối về sau.
- Mức giá thuê: Đảm bảo rằng mức giá thuê được ghi rõ ràng, thời hạn thanh toán (theo tháng, theo năm) và phương thức chi trả.
- Thời gian thuê: Kiểm tra rõ ràng về thời gian bắt đầu và kết thúc hợp đồng thuê. Nên lưu ý cả điều kiện gia hạn hợp đồng nếu có nhu cầu tiếp tục thuê lâu dài.

Trên đây là toàn bộ kinh nghiệm thuê mặt bằng do đội ngũ chuyên gia LephongMoving tổng hợp và chia sẻ, hy vọng chúng sẽ giúp bạn chọn được mặt bằng ưng ý. Nếu như bạn cũng đang tìm kiếm dịch vụ chuyển cửa hàng, chuyển văn phòng trọn gói hay hoàn trả mặt bằng văn phòng, hãy liên hệ ngay với LephongMoving thông qua hotline 1800.0068 để được báo giá chi tiết nhanh chóng!
Bài viết liên quan:
>> 5 lưu ý khi kết thúc, gia hạn, nhượng lại hợp đồng thuê văn phòng
>> Mẫu biên bản hoàn trả mặt bằng chính xác và đầy đủ nhất năm 2025